Chính phủ lưu ý về biến động thị trường chứng khoán, bất động sản

Chính phủ đánh giá thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, và có sức ép lên hệ thống ngân hàng.

Ngày 10/10, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, phục vụ phiên thảo luận sáng 11/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát triển các loại thị trường trong đó có chứng khoán, bđs, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực là một nội dung quan trọng ở báo cáo cáo này.

Gia tăng áp lực nhiều phía

Theo báo cáo, năm 2022 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển thị trường vốn, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ… nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển các thị trường quan trọng, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Về tổng quan các thị trường, báo cáo của Chính phủ nêu các điểm nổi bật đang có xu hướng gây áp lực bất lợi đối với nhiều phía, cả với quản lý nhà nước, với hệ thống ngân hàng, với thu nhập và sức chi trả của người dân…

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 nhằm tăng cường công tác quản lý, thanh tra giám sát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Hiện trên thị trường có 440 mã trái phiếu niêm yết với quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt khoảng 7 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 13,9% so với tháng trước; giá trị giao dịch bình quân 09 tháng là 9,25 nghìntỷ đồng/phiên, giảm 18,9% so với bình quân năm 2021.

Về thị trường chứng khoán, mặc dù trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà hồi phục khá, tuy nhiên, không nằm ngoài xu hướng giảm điểm chung của thị trường chứng khoán toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 có xu hướng giảm điểm kém tích cực. Hiện có 753 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn giao dịch HNX và HoSE, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 6,51 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Giá trị giao dịch bình quân tháng 9 đạt 15,9 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 15% so với tháng trước, giá trị giao dịch bình quân 9 tháng đầu năm đạt 22,5 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 15,5% so với năm 2021.

Thị trường chứng khoán phái sinh khối lượng giao dịch bình quân tháng 9 là 237,9 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 21% so với tháng trước; giá trị giao dịch bình quân 9 tháng là 213,1 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 15,5% so với bình quân năm trước.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường; trong 9 tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 304 quyết định xử phạt vi phạm, với tổng số tiền xử phạt xấp xỉ 23,86 tỷ đồng.

Về thị trường quyền sử dụng đất, Chính phủ đánh giá, trong 9 tháng đầu năm 2022, giá bất động sản vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý 1, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý 2 (khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại).

Theo báo cáo trên, dự báo giá đất những tháng còn lại của năm 2022 sẽ có xu hướng tăng, phụ thuộc vào nguồn cung, nhất là thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án dịch vụ, thương mại… ở từng địa phương.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án mới và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp”, Chính phủ đánh giá.

Bất động sản liên đới ngân hàng

Báo cáo cũng nhận định, triển khai tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đối với tín dụng bất động sản, trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán có biến động lớn, các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) giảm mạnh, ảnh hưởng tới giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tại một số tổ chức tín dụng (TCTD).

Thị trường BĐS biến động mạnh; tình trạng thổi giá gây sốt ảo BĐS, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của TCTD.

Cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là đầu tư dài hạn, trong khi đó, nguồn vốn huy động được chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.

Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh BĐS trong những năm gần đây có xu hướng tăng dần. Chính phủ lưu ý, với tình hình diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua xảy ra một số hiện tượng tiêu cực thì việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của TCTD còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đối với các dự án BOT, BT giao thông: Các dự án giao thông có nhu cầu vốn lớn, dài hạn trong khi nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn; hầu hết các nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế; khó có khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động trái chiều; nhiều dự án sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu vấn đề về khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau.

Cùng đó, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% tăng chậm hơn rất nhiều so với khối cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.

Nguồn lực hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại TCTD phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.

Thị trường vốn đã có những bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp; nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống các TCTD, do đó làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Những tháng còn lại của năm 2022, Chính phủ xác định thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với điều hành chính sách tài khóa nới lỏng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng đó, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường trong, ngoài nước, sử dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất điều hành khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

_________________________________________
Biên tập:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ KINH DOANH ĐỊA ỐC PHÚ THÀNH
Thịnh vượng và thành công cùng bạn
Trụ sở chính: 90B Trần Khắc Chân, P.9, Phú Nhuận, TPHCM
Fanpage: https://www.facebook.com/congtydiaocphuthanh
Website: https://phuthanhland.com.vn/
Hotline: 0907129168