Mở đường cho Lâm Đồng tăng tốc, phát triển

Năm 2022, với việc triển khai hàng loạt dự án quan trọng, được xem là năm đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Lâm Đồng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Nam Tây Nguyên, sớm đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh khá của cả nước.

“Tiểu phát” vì “tiểu lộ”

Nằm trên vùng đất Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, cao nhất khu vực Tây Nguyên, vượt 133% dự toán của Trung ương. Tuy nhiên, Lâm Đồng hiện vẫn là tỉnh nghèo, chưa tự chủ được ngân sách, phải dựa vào một phần trợ cấp từ Trung ương. Thời gian qua, tốc độ phát triển KT-XH với nhiều lĩnh vực cụ thể của Lâm Đồng như: Thu hút đầu tư, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp… chưa được như kỳ vọng, thậm chí tụt hậu so với một số địa phương lân cận.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ của Lâm Đồng trên con đường phát triển, trong đó có nguyên nhân lớn về giao thông. Là tỉnh nằm hoàn toàn trong nội địa, trên khu vực cao nhất của vùng Tây Nguyên nên giao thông của Lâm Đồng không thuận lợi. Địa phương không có hệ thống giao thông đường thủy, đường sắt; không có cảng sông, cảng biển. Tỉnh hiện có sân bay Liên Khương kết nối với một số sân bay trong nước, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Việc đi lại của người dân và hoạt động vận chuyển hàng hóa chủ yếu thực hiện thông qua các tuyến đường bộ gồm: Quốc lộ 20 nối Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, Quốc lộ 27C kết nối với Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung, Quốc lộ 27 kết nối với các tỉnh Bắc Tây Nguyên và Nam Trung Bộ… Tuy nhiên, việc di chuyển trên các tuyến đường này cũng khá nguy hiểm vì đèo dốc phức tạp, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa và tình trạng quá tải do lượng phương tiện ngày càng tăng. Đơn cử như Quốc lộ 20, hiện mỗi ngày có gần 10.000 ô tô qua lại, đặc biệt vào dịp lễ, tết, lượng du khách cùng phương tiện rất lớn từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lên Đà Lạt khiến tuyến đường bị ùn tắc. Quốc lộ 20 cũng là cung đường “tử thần” bởi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Nút giao thông Kim Cúc, cửa ngõ ra vào TP Đà Lạt vừa được nâng cấp, mở rộng, giúp giao thông trở nên thuận tiện.

Giao thông khó khăn không chỉ xảy ra trên quốc lộ, tỉnh lộ mà ngay tại TP Đà Lạt, tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày cuối tuần, vào dịp lễ, tết trở thành bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương. Đồng chí Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận: “Hệ thống giao thông còn nhiều bất cập là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước e ngại khi đầu tư vào Lâm Đồng. Việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của địa phương như rau, hoa, cà phê, bô-xít gặp nhiều khó khăn, chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng lớn tới thu hút đầu tư và phát triển kinh tế”.

Đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Với quyết tâm phá thế cô lập, tăng cường kết nối vùng, đồng thời khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông. Triển khai đầu tư 8 công trình trọng điểm, trong đó có đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương; đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 27, 27C, 28, 55…”.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, từ đầu năm 2021 đến nay, Lâm Đồng đã triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng. Một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, cụ thể như: Dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, lắp đặt hệ thống đèn báo giao thông tại các tuyến đường, nút giao thông trong nội ô TP Đà Lạt với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Cuối năm 2021, Lâm Đồng đã khởi công xây dựng tuyến đường vành đai Đà Lạt dài 7,5km với tổng kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, hoàn thành sửa chữa, nâng cấp đường đèo Mimosa và Quốc lộ 27; chuẩn bị khởi công dự án mở rộng đèo Prenn trong tháng 4-2022 với tổng kinh phí 500 tỷ đồng…

Đặc biệt, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương được xem là dự án giao thông lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng từ trước tới nay sẽ được khởi công trong năm 2022. Dự án gồm 3 hợp phần, đoạn 1 Dầu Giây-Tân Phú (Đồng Nai) dài 61km do Bộ GTVT tổ chức thực hiện; đoạn 2 từ Tân Phú (Đồng Nai)-TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 66km, kinh phí thực hiện dự kiến 16.220 tỷ đồng; đoạn 3 từ TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) nối vào đầu đường cao tốc Liên Khương-Đà Lạt (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm qua) dài 73,5km, kinh phí khoảng 11.330 tỷ đồng. Dự án có quy mô nền đường rộng 22m và 24,75m, gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Đoạn 2 và 3 do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.

Đồng chí Trần Văn Hiệp cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vì nhu cầu phục vụ cho sự phát triển, tỉnh Lâm Đồng quyết tâm khởi công dự án này trong năm 2022. Đây cũng là dự án không sử dụng ngân sách Trung ương. Hiện nay nhà đầu tư đã có, Lâm Đồng cũng đã chuẩn bị đủ nguồn vốn cho đoạn Tân Phú-Bảo Lộc 4.500 tỷ đồng, đoạn Bảo Lộc-Liên Khương 1.500 tỷ đồng, số còn lại do nhà đầu tư đóng góp. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025, tuyến cao tốc này sẽ tăng cường kết nối Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực mạnh mẽ để Lâm Đồng thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Địa phương rất mong Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đặc biệt quan trọng này”.

Vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng cùng đại diện các nhà đầu tư, các bộ, ngành Trung ương về dự án cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã biểu dương nỗ lực, quyết tâm của Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đối với dự án, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện đoạn cao tốc Dầu Giây-Tân Phú. Hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai khẩn trương thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng trong phạm vi của dự án; yêu cầu các bộ, ngành có liên quan nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục để dự án được triển khai đúng kế hoạch. “Phải tháo gỡ sớm cho bằng hết để thực hiện dự án quan trọng này. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, hiếm có địa phương nào đề nghị không dùng ngân sách Trung ương, xung phong làm 100km đường cao tốc nhằm tạo không gian, động lực mới cho sự phát triển. Do đó, chúng ta phải dồn sức hỗ trợ địa phương”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.

Theo https://www.qdnd.vn/